Đây là hệ quả của việc sử dụng Facebook 10 tiếng một ngày

Những năm gần đây, lượng người tham gia vào mạng xã hội Facebook tăng nhanh chóng. Đến nay, nước ta đã có 22 triệu người sử dụng trang mạng này và chủ yếu là thanh thiếu niên.

Với ưu thế có thể tạo ra một thế giới riêng dành cho người dùng, Facebook ngày càng chiếm được cảm tình của giới trẻ như một chất gây nghiện. Tuy nhiên, hội chứng nghiện Facebook đã kéo theo những hệ lụy không mấy tốt đẹp về mặt tâm lí, khiến các em sao nhãng việc học hành, nhiều em trở thành nạn nhân của thế giới ảo.

Không khó để bắt gặp các nhóm học sinh sau giờ tan học tập trung một góc, tại các quán ăn vặt, quán cà phê, mải mê, chăm chú nhìn vào màn hình những chiếc điện thoại thông minh, xì xào bàn tán với vẻ mặt say mê, thích thú. Không chỉ sau giờ học mà thời gian ở nhà, thay vì tập trung vào việc học, nghỉ ngơi, vui chơi các em lại tiếp tục “dán mắt” vào màn hình điện thoại. Có thứ gì thu hút sự chú ý của các em đến vậy ? Đó chính là mạng xã hội Facebook.

Nhiều học sinh xem “Facebook” giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Các em liên tục cập nhật trạng thái, đăng ảnh và chăm chú theo dõi bình luận, ấn nút “like”. Càng có nhiều bạn bè, thêm nhiều người theo dõi các em càng cảm thấy tự hào.

Facebook gần như trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của các em. Phạm Quỳnh Anh, một học sinh lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ: “Một ngày em dùng hơn 10 tiếng để online Facebook. Không được sử dụng Facebook hàng ngày, thường xuyên em cảm thấy rất khó chịu. Vì thế em tìm mọi cách để online Facebook. Những bức ảnh nhiều “like” và nhiều “comment” em rất thích. Những lời bình luận khen em thích còn những bình luận chê lại không thích và chỉ muốn xóa ngay đi”.

Hiện có hàng nghìn học sinh cấp 2, 3 trên cả nước dùng phần lớn thời gian trong ngày để sử dụng Facebook. Mạng xã hội không chỉ khiến các em mất thời gian, sao nhãng chuyện học hành mà còn khiến các em rơi vào thế giới ảo. Suy nghĩ của các em còn rất non nớt, không biết rằng rất nhiều cạm bẫy đang giăng ra chờ các em tự rơi vào. Thực tế, đã có nhiều em bị các đối tượng xấu lợi dụng lòng tin, lừa đảo, đe dọa và xâm hại gây hậu quả nặng nề về tâm lí.

Ông Hoàng Xuân Phóng, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, cùng với sự phát triển của mạng Internet, tội phạm xâm hại trẻ em cũng đang ngày càng gia tăng với những diễn biến phức tạp, khó lường. Càng ngày, việc xâm hại trẻ em thông qua internet càng tăng.

Tình trạng làm quen trên mạng, sau đó tạo lòng tin, rồi lừa đảo, chiếm đoạt trẻ em không còn là chuyện hiếm. Đặc biệt, các đối tượng bị xâm hại là nam đang có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê thì trung bình mỗi năm có khoảng 1.800 vụ xâm hại trẻ em nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong số hàng nghìn vụ án chưa được phát hiện.

Ông Hoàng Xuân Phóng nói: “Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi mà các đối tượng sử dụng hiện nay là thông qua công nghệ, các hệ thống mạng xã hội, các chương trình tin nhắn trực tuyến, qua các website khiêu dâm, qua nói chuyện chat, cửa sổ game. Với cách này, tội phạm không cần lộ diện, không mất công sức nhưng lại đạt hiệu quả cao. Đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ và thực hiện hành vi lôi kéo, dụ dỗ, xâm hại đối với hàng trăm em ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay, với số lượng người tham gia mạng xã hội chiếm 31% dân số thì nguy cơ trẻ em bị xâm hại thông qua các trang mạng xã hội đang là thực trạng đáng báo động”.

Theo phân tích của ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội, nhiều học sinh tiêu tốn quá nhiều thời gian vào thế giới ảo, chỉ thích sống trong thế giới của riêng mình mà không bị ai kiểm soát. Đắm mình trong thế giới ảo, các em trở nên tách biệt, cô đơn trong cuộc sống. Chính việc này ảnh hưởng nặng nề đến việc học hành, tâm lí, thậm chí các em trở nên vô cảm, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân. Nhiều em hoang mang, lo lắng, rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm khi thế giới ảo được phơi bày. Đây là thực trạng đáng báo động nhưng với trào lưu sử dụng mạng xã hội như hiện nay, việc cấm đoán trẻ không phải là giải pháp hữu hiệu.

Ông Tùng Lâm nói: “Nhiều khi càng cấm đoán, trẻ em càng tò mò và thích thú, càng làm ngược lại. Cho nên vấn đề ở đây là chúng ta phải có nhiều hình thức, nhiều cách làm khác nhau để tạo cho học sinh có ý thức tự bảo vệ mình. Khi học sinh có ý thức tự bảo vệ, tự phòng tránh khi đó mới thành công. Gia đình và nhà trường phải giáo dục đến nơi đến chốn cho có hiệu quả. Bộ phận an ninh mạng phải được tăng cường lực lượng, tìm ra các biện pháp bằng công nghệ thông tin để theo dõi cũng như gạt đi những hình ảnh, việc làm không tốt từ những người lợi dụng mạng để bảo vệ trẻ em”.

Bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng nói riêng đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, trong quá trình xây dựng Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em sửa đổi, những nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng cũng đã được đưa vào dự thảo luật. Hiện nay, Bộ đang xây dựng dự thảo Đề án “Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ các đối tượng cần tập trung tăng cường công tác này cũng như giải pháp, vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành.

Bà Lan nói: “Việc này cũng đặt ra cho các cơ quan chức năng thách thức, làm thế nào để tăng cường hơn nữa công tác truyền thông cũng như các giải pháp cụ thể của từng cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong đó nhà trường, phụ huynh học sinh và bản thân các em. Hiện nay, trong quá trình triển khai xây dựng Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em sửa đổi, nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng cũng đã được đưa vào trong dự thảo luật. Hiện nay, về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chỉ đảo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang xây dựng Dự thảo đề án bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Sử dụng một cách quá mức dẫn đến nghiện Facebook của trẻ đang trở nên đáng báo động. Vì vậy, tăng cường hệ thống pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, để kéo các em nghiện mạng xã hội ra khỏi thế giới ảo cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và bản thân các em.

Theo Thông tin công nghệ

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: